Viện Cơ điện Nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch vừa nghiên cứu chế tạo loại máy cấy lúa 6 hàng (máy MC-6-250), năng suất tương đương khoảng 30 sào/ngày với giá khoảng 25 triệu đồng một chiếc.
Tiến sĩ Lê Sỹ Hùng, Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện Cơ điện Nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho biết, máy cấy trên được thiết kế, cải tiến trên cơ sở máy cấy của Nhật Bản, Trung Quốc.
Máy có bộ phận di chuyển, bộ phận cấy, bộ phận đỡ và cung cấp mạ. Bộ phận cấy gồm 6 tay cấy đối xứng, hoạt động theo nguyên lý bốn khâu, trên mỗi tay cấy có bộ phận tách mạ (để cắt các rảnh mạ ra khỏi thảm mạ).
Khi tay cấy đưa khóm mạ xuống ruộng thì cần đẩy trên tay cấy sẽ đẩy cắm xuống ruộng (phương pháp chải đẩy). Khoảng cách giữa các khóm mạ có thể được điều chỉnh bằng cách thay đổi tỷ số truyền bánh răng và bước cắt.
Máy cấy lúa đang làm việc tại Vạn Phúc – Hà Đông – Hà Tây; Ảnh: Viện CĐCNSTH
Ngoài các bộ phận trên, máy cấy còn có hệ thống khung đỡ, bàn trượt, các tay điều kiển… Máy cấy MC-6-250 đã được khảo nghiệm đánh giá và ứng dụng tại Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Long An, Kiên Giang, An Giang.
Kết quả ứng dụng cho thấy mỗi ngày máy có thể cấy được 25 – 30 sào (365 m2/sào), mật độ cấy đồng đều, cây lúa đứng thẳng, khoảng cách giữa các khóm là 25 cm, tiêu hao khoảng 6 lít dầu diesel/ha. Đến nay, Viện Cơ điện Nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã chuyển giao 50 máy cho nông dân, với giá thành khoảng 25 triệu đồng một máy.
Tuy nhiên, máy cấy này không thể sử dụng được mạ gieo mà bắt buộc phải sử dụng mạ khay (hay còn gọi là mạ sân, mạ thảm). Tiến sĩ Lê Sỹ Hùng cho biết theo đề nghị của nông dân tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học đã nghiên cứu cải tiến mẫu máy, thu hẹp hàng cấy còn 20 cm và tăng số lượng hàng cấy lên 8 hàng.
Viện Cơ điện Nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện kết cấu, đặc biệt là công nghệ chế tạo, chuẩn bị cơ sở tiến tới chế tạo máy cấy tốc độ cao, máy cấy tự động.