Khi nông dân muốn đổi máy cày lấy trâu
Theo phản ảnh của bạn đọc, nhiều xã vùng sâu của tỉnh Kon Tum được Nhà nước đầu tư hàng tỉ đồng nhằm cơ giới hoá nông nghiệp, nhưng nhiều thiết bị máy móc hiện đại không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nên bị bỏ xó, gây hư hỏng, lãng phí.
Ông A Nó ở làng Vi Xây, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông kể: “Trước đây mỗi thôn được xã cấp một bộ máy cày nhưng không ai dạy người dân cách sử dụng. Thật ra nếu có dạy thì cũng không ai muốn làm ruộng bằng máy cày vì không quen, phức tạp nên hiện nay máy cày đã được trả về xã”. Ông A Jơn, trưởng thôn Vi Xây, xác nhận phản ảnh của ông A Nó là chính xác.
Tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông chúng tôi thấy các bộ phận của máy cày vứt lăn lóc ngay cạnh trụ sở UBND xã. Ông A Kiên, Phó chủ tịch UBND xã Măng Bút, cho biết từ khi xã được trang bị máy cày đến nay người dân chưa một lần đưa máy xuống ruộng. Bây giờ máy cày bị hư cũng không ai sửa.
Nhiều bà con ở xã Hiếu, huyện Kon Plông cho rằng họ không thể sử dụng máy cày vì ruộng trong xã là ruộng bậc thang, manh mún, máy cày không có đường đi. Ông Đinh Xuân Dơ, Chủ tịch HĐND xã Hiếu, bảo bà con ở đây chỉ mong được đổi máy cày lấy trâu vì trâu vừa cày vừa kéo được, còn máy cày không phục vụ gì được cho bà con cả.
Số phận máy xay xát lúa cũng hẩm hiu không kém. Ông Đinh Văn Rýi - Bí thư chi bộ làng Vigơlơng, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông - cho biết máy xay xát lúa được trang bị để phục vụ 73 hộ dân trong làng nhưng ba năm qua chỉ nổ máy một lần, chưa xay xát xong một gùi lúa thì máy chết đến bây giờ. Tổ vận hành máy xay xát của làng đã báo cán bộ xã đến sửa nhưng xã cũng bó tay!
Bà con trong làng muốn có gạo ăn phải quay về với lối giã gạo truyền thống.
Hiện nay, nhiều người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Kon Tum chỉ mới làm quen với cây lúa nước. Mỗi năm bà con chỉ sản xuất một vụ lúa, thậm chí người dân ở một số nơi như xã Măng Bút, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) vẫn còn sử dụng trâu giẫm ruộng, chưa biết dùng trâu để cày bừa. Tại một số xã vùng sâu vùng xa vẫn chưa có điện nên khi được cấp máy sấy nông sản, người dân cũng không sử dụng được...
Trước thực tế này, ông Dương Anh Hùng - trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kon Plông - cho biết huyện sẽ điều tra, khảo sát, đánh giá hiệu quả sử dụng các trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nếu địa phương nào sử dụng kém hiệu quả, huyện sẽ thu hồi, luân chuyển đến các địa phương khác để tránh lãng
Nguồn : N/A